Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho thấy, uống cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh chết người, từ đó giúp chúng ta sống lâu hơn.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 171.616 người tham gia ở Anh tới 5 lần trong một năm về lối sống của họ. Trong các chỉ tiêu khảo sát có thói quen uống cà phê của các tình nguyện viên.
Những người tham gia có độ tuổi từ 37 đến 73, không mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư khi bắt đầu tiến hành khảo sát.
Theo PGS Christina Wee, Trường Y Harvard (Mỹ) cũng là phó tổng biên tập của tạp chí Annals of Internal Medicine, kết quả cho thấy những người uống một lượng cà phê vừa phải có nguy cơ tử vong giảm khoảng 30% so với người không có thói quen uống cà phê.
Các kết quả trong nghiên cứu này đã được điều chỉnh yếu tố xã hội học, lối sống và lâm sàng để loại bỏ ảnh hưởng của những yếu tố này. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi đến người tham gia về mức độ hút thuốc, mức độ hoạt động thể chất, trình độ học vấn và thói quen ăn uống.
Tuy nhiên nghiên cứu vẫn có điểm hạn chế, khi nhóm tác giả không điều tra về các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như mức thu nhập, nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia, cà phê có hơn 1.000 thành phần hóa học, bao gồm nhiều chất chống oxy hóa và chất chống viêm.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, uống cà phê có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, chống lại ung thư, thậm chí cả bệnh Parkinson.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra cà phê thậm chí có thể làm giảm xu hướng tự tử.
Các chuyên gia cũng lưu ý, người uống cà phê cần quan tâm đến loại cà phê họ uống, phương pháp rang cà phê, quy trình pha cà phê. Không nên quá lạm dụng cà phê, có nghĩa là bạn không nên nạp quá 400mg caffeine mỗi ngày.
Ông Gunter Kuhnle, giáo sư dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Reading, Anh chia sẻ rằng, các loại cà phê khác nhau cũng có những tác động khác nhau đối với sức khỏe, tùy thuộc vào cách sản xuất cà phê.
Cà phê có chứa các hợp chất phenolic rất có lợi cho sức khỏe. Những hợp chất này ảnh hưởng đến hương vị và mùi thơm của cà phê. Với cơ thể con người, chúng hoạt động như chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm, chống lão hóa.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cà phê robusta có hàm lượng phenolic cao hơn arabica.
Lưu ý khi uống cà phê
Mặt trái của cà phê là có thể gây những vấn đề về giấc ngủ cũng như cảm giác lo âu cho người uống.
Theo phân tích của các chuyên gia, khả năng kích thích của caffeine trong cà phê sẽ kéo dài 3-5 tiếng, tùy thuộc và thể trạng của từng người. Do đó, việc uống cà phê quá gần giờ đi ngủ có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ.
Để tránh việc caffeine gây gián đoạn giấc ngủ, tốt nhất chúng ta cần tránh uống cà phê cách giờ lên giường ít nhất 6 tiếng.
Bên cạnh việc gây mất ngủ, caffeine còn có thể làm tăng cảm giác bồn chồn, lo âu đối với một số trường hợp. Đặc biệt, nếu một người đang trong tình trạng lo lắng, buồn phiền vì một vấn đề nào đó, việc uống cà phê sẽ lại càng làm tăng thêm tâm lý tiêu cực này.
Nếu rơi vào trường hợp kể trên nhưng vẫn cần có sự tỉnh táo để học tập và làm việc, bạn có thể lựa chọn trà xanh, vốn là thức uống có chứa lượng caffeine bằng 1/3 cà phê, để thay thế.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe