Kinh Nghiệm Mở Quán Cà Phê Thực Tế

Phạm Xuân Hưng 22/03/2018
kinh-nghiem-mo-quan-ca-phe-thuc-te

Kinh nghiệm mở quán cafe thực tế

Kinh nghiệm mở quán cafe thực tế

 

 

 

Sau quảng cáo, thứ tôi thấy nhiều nhất mỗi ngày có lẽ là các quán cafe. Ở Việt Nam, khắp các nẻo đường, hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy những quán cafe mọc lên theo đủ phong cách, cá tính khác nhau. Từ cafe cóc, cafe sang, cafe chung cư, cafe vỉa hè DJ.... đủ loại hoa cả mắt. Chẳng lẽ bán cafe dễ và lời đến thế, nên ai cũng nhảy vào tham gia. Ngay cả đến những đứa bạn của tôi khi được hỏi: "Có tiền mày sẽ đầu tư gì?"... và nhận được nhiều câu trả lời dạng "Tao sẽ mở một quán cafe theo phong cách của tao"... Nếu bạn có cùng ý tưởng đó, dành thời gian để tham khảo những kinh nghiệm mở quán cafe thực tế sau.

Có nhiều yếu tố cần thiết trước khi bạn bắt tay xây dựng một quán cafe, tránh trường hợp chỉ có "ý tưởng hay" rồi đâm đầu vào trận chiến, cam đoan bạn đã cầm chắc thất bại trong tay. 

1. Lên ý tưởng và chọn phong cách cho quán Cafe của bạn.

 

Việc có ý tưởng và phong cách của quán là rất quan trọng, bởi vì nó sẽ quyết định nguồn khách hàng mà quán hướng tới. Do vậy, các bạn nên hình thành cho mình ý tưởng và phong cách riêng của quán hoặc từ đối tượng khách hàng hướng tới thì đưa ra được ý tưởng. Các loại quán cafe ví dụ như:

Cafe công sở: Nơi quán được bày biện lịch sự để dành những nhân viên văn phòng thưởng thức ly cafe vào buổi sáng hay buổi trưa sau khi ăn xong hoặc có thể là nơi gặp gỡ khách hàng. Quán thường có wifi tiện cho mọi người có thể truy cập internet... Ví dụ: Cafe Trung Nguyên

kinh-nghiem-mo-quan-cafe-anh-1

Cafe bóng đá lề đường

Cafe bóng đá: Vào mỗi mùa bóng đá hay các dịp cuối tuần khi mà diễn ra các trận đấu ở các giải bóng đá hàng đầu thế giới như ngoại hạng anh hay Laliga thì các quán cafe bóng đá là nơi tập trung những người yêu môn thể thao vua này. Họ tụ tập nhau lại để thưởng thức những trận cầu bắt mắt và được bình luận về mọi thứ xung quanh bóng đá. Quán thường phải có màn hình LCD trên 40 inchs... Ví dụ: các quán cafe nhỏ bên đường.

Ca phe cho meo

Cafe cá tính: mang những nét tính cách độc đáo, để khi bước vào là thoát khỏi không gian bên ngoài, khách phải ngạc nhiên và nhớ về một không gian lạ... Ví dụ: Cafe chó mèo, Cafe Công Chúa Và Hạt Đậu, Lusine Cafe, Urban  Station

kinh-nghiem-mo-quan-cafe-anh-3

Urban Station

Cafe vườn: khung cảnh tự nhiên thoáng mát, riêng tư cho các đôi tâm sự, ngắm cảnh thư giãn.

Cafe bình dân, cafe cóc : phục vụ đại trà cho người lao động, bạn bè thân thiết và là chỗ mà mọi người đến rồi đi rất nhanh.

Cafe thưởng thức: là nơi chỉ dành để thưởng thức cà phê, dành cho những người “sành miệng”... Ví dụ: Cafe nguyên chất, rang xay...

Cafe "Lú": Cafe có những nữ nhân viên xinh đẹp, ăn mặc hở hang, kèm DJ nữ nóng bỏng... lắc lư qua lại. Khiến người vào nhìn đến "lú lẫn"... ví dụ: Cafe Nhật Nguyệt...

 

kinh-nghiem-mo-quan-cafe-anh-2

 Cafe DJ

Cafe ca nhạc, thời trang, kiến trúc, điện lực....: những phong cách cafe dành cho các hội nhóm có cùng đam mê hoặc để bán kèm những thứ khác.

Sau khi đã có ý tưởng mở quán theo phong cách nào bạn nên chú ý đến nguồn vốn hiện tại bạn có hay mặt bằng đặt quán bạn có thể thuê… rồi quyết định ý tưởng và phong cách cuối cùng của quán.

2. Hiểu Cafe, biết làm đồ uống

Hãy tự rèn luyện bản thân mình với các công việc pha cà phê, trà hoặc bất kỳ đồ uống nào quán bạn có. Hãy hiểu biết những gì bạn đang bán, học hỏi tất cả về cà phê, từ đặc tính của cây, các giống cà phê, tên các trang trại, kiểu cốc và cách pha thường dùng. Sau đó, hãy chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của mình với nhân viên. Vì nếu họ không có đam mê như bạn, họ sẽ không thể dốc hết sức làm việc... Không biết làm đồ uống làm sao mà mở quán cafe.

kinh-nghiem-mo-quan-cafe-anh-4

Pha chế cafe

3. Xem xét địa điểm mở quán cẩn thận

Kinh nghiệm mở quán cafe và các thất bại xương máu nói rằng: "Quán ế là do mặt bằng xấu." Địa điểm luôn là yếu tố tiên quyết cho việc thành công của quán café. Khi có ý tưởng và phong cách của quán, các bạn nên chú ý tìm địa điểm đặt quán sao cho phù hợp.

Bạn cần phải dò xét thật kỹ căn nhà muốn mua hoặc thuê để mở quán. Hãy tìm một chỗ đỗ xe quanh đó, đếm lượng xe cộ hoặc người đi ngang qua mỗi giờ. Bạn nên thực hiện vào nhiều thời điểm như 2h sáng, 8h tối hoặc 6h30 sáng trong nhiều ngày để tính lượng khách hàng tiềm năng. Hãy tự hỏi liệu những người lái xe có muốn dừng lại mua một cốc trước khi đi làm hay không? Liệu có biển báo dừng hay cột đèn giao thông gần chỗ bạn? Quanh khu vực của bạn có nhiều học sinh hay không? Hoặc nơi này liệu có đủ chỗ đỗ xe?

Hãy nghiên cứu các hàng quán xung quanh nữa. Nếu gần đó từng có quán cà phê phải đóng cửa, bạn cũng nên nghiên cứu lý do họ thất bại.

Nếu bạn có nhà để mở quán thì yên tâm, nhưng nếu bạn phải đi thuê thì cần chú ý là thời gian thuê phải dài để có thời gian thu hút khách và kiếm đủ tiền để hoàn vốn đầu tư.

4. Thiết kế và trang trí quán:

Vâng, bạn là người nghĩ ra ý tưởng, cafe phải mang của bạn... Nhưng cũng khuyên bạn rằng nếu có điều kiện thì nên tìm công ty thiết kế nội thất và nói cho họ biết ý tưởng và phong cách của bạn, để họ tư vấn thiết kế, trang trí thế nào cho hợp lý, phù hợp nhất, với chuyên môn kỹ thuật họ sẽ nhanh chóng đưa cho bạn mẫu thiết kế phù hợp... Bạn tự làm để tiết kiệm chi phí cũng không sao, miễn là mọi thứ phải phù hợp với phong cách và diện tích của quán.

kinh-nghiem-mo-quan-cafe-anh-5

Cafe Lusine

5. Định giá hợp lý

Giá cả là một việc rất phức tạp. Hãy tính toán bạn phải bán bao nhiêu cốc cà phê mỗi ngày mới hòa vốn, và bao nhiêu thì bạn mới có lãi? Chi phí thay thế sản phẩm là bao nhiêu? Chi phí giao hàng là bao nhiêu?

Có một chân lý định giá thế này: Nếu tất cả mọi người đều phàn nàn về giá cả, tức là nó quá cao. Nếu chẳng ai phàn nàn, tức là quả thấp. Còn khi chỉ có vài người kêu ca, tức là bạn đã định giá hoàn hảo.

Nhưng hãy nhớ, định giá là quá trình liên tục, chứ không chỉ xảy ra một lần. Nếu chi phí đầu vào tăng, doanh thu cũng phải tăng theo. Hãy thử tăng giá nhẹ trong vài tháng và quan sát xem khách hàng có nhận ra hay không. Nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn quá xuất sắc, họ sẽ chẳng quan tâm bạn vừa nâng giá đâu. Nếu yêu quý bạn, họ sẽ muốn giúp bạn thành công.

kinh-nghiem-mo-quan-cafe-anh-6

 Menu của quán cafe

Một cách định giá khác bạn nên nhớ là theo nhận thức của khách hàng. Nếu bán loại cà phê rang xay nguyên chất đắt đỏ có giá gần 500.000 mỗi kg, bạn sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng công nhận giá trị của chúng. Đó là ảnh nông dân trong trang trại đang hái cà phê, thông tin bạn trích lợi nhuận để làm từ thiện, kênh giao tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội và email quảng cáo về loại cà phê này. Nếu đã có tất cả, bạn có thể yên tâm bán chúng với giá 50.000 mỗi ly tùy thích.

 

6. Bạn và nhân viên phải luôn thể hiện sự vui vẻ, lạc quan, yêu đời vơi khách

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Bạn có thể thay đổi cả thế giới bằng một nụ cười”. Nếu luôn tỏ ra vui vẻ vì bạn yêu quán, sản phẩm, khách hàng, bạn sẽ bán được nhiều hơn. Khách hàng luôn muốn mua đồ từ những người vui vẻ.

7. Quảng bá quán cafe

"Mở quán cafe ở một góc đường, ráng chịu lỗ 6 tháng để khách quen mặt, rồi mới từ từ có lời".... Cái kinh nghiệm mở quán cafe cũ rích này không còn tồn tại trong thời buổi của Internet nếu bạn là người thức thời. Hãy quảng bá ngay quán cafe "sắp" hình thành của mình trước khi nó hoàn chỉnh mà ra đời, đi vào phục vụ. Bạn có bạn bè trên facebook, bạn  có vài chục người thân quen, hãy quảng cáo cho họ biết, quán của bạn sẽ có những thứ gì hay ho mới lạ, đồ uống thế nào, phong cách ra sao. Nếu được, thì hãy làm luôn một website đơn giản để treo menu của quán trên đấy cho khách hàng tiềm năng được biết. Đến ngày khai trương và những ngày sau đó, ít nhất bạn cũng đã có một nhóm người ủng hộ vui vẻ.

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN